Lịch sử Nam_Chiếu

Sự thành lập và các dân tộc

Nguyên thủy, ở đây có một vài bộ lạc của người Bạch sinh sống bằng nông nghiệp trong các vùng đất màu mỡ xung quanh hồ Nhĩ Hải. Mỗi một bộ lạc là một vương quốc riêng biệt, được gọi là Chiếu (詔), tiếng Thái nói là Chẩu nghĩa là Chủ Nhân, Người Chủ. Người ta nói rằng đã từng có Lục Chiếu là: Mông Huề Chiếu, Việt Tích Chiếu, Lãng Khung Chiếu, Đằng Đạm Chiếu, Thi Lãng Chiếu, Mông Xá Chiếu. Mông Xá Chiếu ở về phía nam nên đôi khi gọi là Nam Chiếu. Năm 737, đời Huyền Tông nhà Đường ở Trung Quốc, với sự hỗ trợ của quân đội nhà Đường, Mông Bì La Các (tức Bì La Cáp) là đại chiếu của Mông Xá Chiếu đã lần lượt thống nhất Lục chiếu, thành lập ra một Vương quốc mới, gọi là Nam Chiếu.

Về việc này Việt Nam sử lược (VNSL) của Trần Trọng Kim có chép: "Trong khoảng năm Khai Nguyên (713-742) đời Huyền Tông nhà Đường, Nam Chiếu là Bì La Cáp cường thịnh lên, mà 5 chiếu kia suy hèn đi. Bì La Cáp mới đút lót cho quan tiết độ sứ đạo Kiếm Nam là Vương Dục để xin hợp cả sáu chiếu lại làm một. Triều đình nhà Đường thuận cho, và đặt tên là Quy Nghĩa. Từ đó Nam Chiếu càng ngày càng thịnh lên, đem quân đi đánh Thổ Phồn...Bấy giờ Nam Chiếu đã mạnh lắm, bèn xưng đế và đặt quốc hiệu là Đại Mông quốc rồi lại đổi là Đại Lễ..."

Vương quốc Nam Chiếu duy trì một mối quan hệ mật thiết với nhà Đường, và chính quyền Nam Chiếu là của hai tộc người BạchDi. Một số nhà sử học còn cho rằng phần lớn dân cư là người Bạch, nhưng cầm quyền lại là người Di. Thủ đô của vương quốc này được thành lập năm 738Thái Hòa (ngày nay là làng Thái Hòa, cách thành cổ Đại Lý vài dặm về phía nam). Nằm ở trung tâm của thung lũng Nhĩ Hải, khu vực này khi đó là lý tưởng: nó giúp cho người ta dễ dàng chống lại các cuộc tấn công và nó nằm giữa một khu vực đất đai nông nghiệp màu mỡ.

Dân cư vùng phía Tây và Tây Nam của Nam Chiếu có lẽ phần lớn là các tộc người gốc Tây Tạng như Bạch, người Di (Lolo và La Hủ), phía Đông Nam có lẽ là người Thái gốc Nam Việt mới di cư đến (sau khi thành Phiên Ngung thất thủ) và Miêu (Hmong), Dao. Tuy nhiên, tên các vua Nam Chiếu cho thấy có lẽ họ không phải là người Thái, vì họ đặt tên theo cách dùng âm tiết cuối của tên cha để bắt đầu tên con, phổ biến trong người Lolo và các nhóm Tạng-Miến khác nhưng không phổ biến trong người Thái. Cũng như vậy, có nhiều từ Nam Chiếu được ghi lại được xác định là ngôn ngữ Lolo, và không có trong từ vựng Thái.

Phát triển

Châu Á vào khoảng năm 800, Nam Chiếu và các quốc gia lân bang

Năm 748, nhà Đường phong Mông Các La Phượng làm Vân Nam vương (雲南王). Có sự giúp sức của nhà Đường, Các La Phượng khống chế và thâu tóm chính quyền các bộ tộc của Thoán Thị (爨氏) và chiếm hầu hết khu vực Vân Nam.

Trong khi đó Thiền Vu Trọng Thông (鲜于仲通) được phong làm Tiết độ sứ Kiến Nam, còn Trương Kiền Đà làm Thái thú Vân Nam. Vị tân Thái thú hành vi ngạo nghễ bạo ngược, đối đãi vợ chồng Các La Phượng khiếm nhã, lại còn vu cáo Các La Phượng mưu phản. Năm Thiên Bảo thứ 9 (750), Các La Phượng vây giết Trương Kiền Đà, chính thức phản Đường. Nghe tin, Tể tướng nhà Đường là Dương Quốc Trung phái Thiền Vu Trọng Thông đem quân đội đến Nhung Châu, Tây Châu, chia ra 3 đường tiến binh chống lại Nam Chiếu. Các La Phượng nhanh chóng phái sứ giả giảng hòa, nhưng nhà Đường cự tuyệt, thế là Các La Phượng bí bách xin Thổ Phồn cứu giúp.

Năm 751, quân đội nhà Đường tiến tới kinh sư của Nam Chiếu nhưng đội quân này đã bị đánh bại ở Hạ Quan bởi liên quân Nam Chiếu và Thổ Phồn. Cùng năm này, nhà Đường còn chịu một thất bại khác rất nặng nề dưới tay của người Ả Rập trong Trận chiến TalasTrung Á; các thất bại này đã làm nhà Đường suy yếu cả trong lẫn ngoài. Ngày nay, mồ tướng (2 km về phía tây Hạ Quan), và mả vạn binh (trong công viên Thiên Bảo) là chứng tích cho thảm bại này. Từ trận này, Nam Chiếu và Thổ Phồn kết làm huynh đệ chi bang.

Năm 754, nhà Đường lại cử Lý Mật đem quân đội sang đánh, lần này từ phía bắc, nhưng khi quân đến thì không công thành được, lại hết lương, bệnh dịch nên Lý Mật phải rút đi. Các La Phượng nhân đó truy kích và tiêu diệt toàn bộ quân của Lý Mật.

Được lợi từ những thành công này, Nam Chiếu phát triển và bành trướng rất nhanh, đầu tiên là vào Miến Điện, sau đó là toàn bộ Vân Nam ngày nay, xuống phía bắc LàoThái Lan, và sau đó về phía bắc tới Tứ Xuyên. Năm 764, Nam Chiếu thiết lập kinh đô thứ hai tại Côn Minh với một bộ máy hành chính quan lại rất hoàn chỉnh.

Năm 829, Thành Đô đã bị quân Nam Chiếu chiếm đóng; nó đã là một phần thưởng lớn, vì nó làm cho Nam Chiếu có khả năng đánh chiếm toàn bộ tỉnh Tứ Xuyên với những cánh đồng màu mỡ. Điều này là quá nhiều đối với người Trung Hoa, họ đã không mất nhiều thời gian để phản công.

Nam Chiếu cũng đã từng xâm chiếm An Nam (tên gọi khi đó của Việt Nam) từ những năm 858 tới năm 866. Về việc này, trong ĐVSKTT có chép (lược trích lại):

Bính Dần, [846]ư, (Đường Hội Xương năm thứ 6). Người Nam Man (tức Nam Chiếu) vào cướp. Vua Đường sai Kinh Lược Sứ là Bùi Nguyên Hựu đem quân các đạo lân cận đánh dẹp được.Mậu Dần, 858, (Đường Đại Trung, năm thứ 12). Mùa xuân, người Nam Chiếu kéo đến đông, đóng ở bến đò Cẩm Điền. Vương Thức khi đó là Giao Châu kinh lược đô hộ sứ, sai người đến dụ, chỉ một đêm người Nam Chiếu lại kéo đi. Nguyên nhân do đô hộ Lý Trác tham lam tàn bạo, mua hiếp bò ngựa của người Man, mỗi con chỉ trả cho một đấu muối, giết tù trưởng Man là Đỗ Tồn Thành, dân Man oán giận, dẫn đường cho người Nam Chiếu đến lấn cướp biên giới.Tháng 5 năm ấy, người Nam Chiếu đến cướp, Thức đánh lui được.Canh Thìn, 860, (Đường Ý Tông, Thôi Hàm Thông, năm thứ 1). Mùa đông, tháng 12, ngày Mậu Thân, người thổ man dẫn quân Nam Chiếu hợp lại hơn 30.000 người, đánh chiếm phủ trị.Tân Tỵ, 861, (Đường Hàm Thông, năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, vua Đường phát quân Ung, Quản và các đạo lân cận sang cứu Lý Hộ, đánh lại Nam Chiếu. Mùa hạ, tháng 6, ngày Quý Sửu, vua Đường sai phòng ngự sứ Diêm Châu là Vương Khoan làm Kinh lược sứ An Nam. Bấy giờ Lý Hộ từ Vũ Châu thu nhặt quân người địa phương Giao Châu đánh bọn Nam Chiếu, lấy lại được phủ thành.Nhâm Ngọ, 862, (Đường Hàm Thông, năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, Nam Chiếu lại vào cướp phá. Vương Khoan mấy lần sai sứ cáo cấp. Vua Đường sai Hồ Nam quan sát sứ là Sái Tập thay thế, đem binh các đạo Hứa, Hoạt, Từ, Biện, Kinh, Tương, Đàm, Ngạc, hợp lại 30.000, giao cho Tập để chống cự. Yếu thế, quân Nam Chiếu rút lui.Mùa đông, tháng 10, Nam Chiếu đem 50.000 người đến cướp, Tập cáo cấp. Vua Đường sai lấy quân hai đạo Kinh Nam, Hồ Nam 2.000 người và nghĩa chinh ở Quế Quản 3.000 người đến Ung Châu chịu lệnh tiết chế của Trịnh Ngu để sang cứu Sái Tập. Tháng 12, Tập lại xin thêm quân, vua Đường sắc cho Sơn Nam đông đạo đem 1.000 quân cung nỏ sang cứu.Quý Mùi, 863, (Đường Hàm Thông, năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Canh Ngọ, quân Nam Chiếu đánh chiếm phủ thành. Nam Chiếu hai lần chiếm Giao Châu, vừa giết vừa bắt gần 150.000 người. Khi rút lui còn lưu lại 20.000 quân, sai Tư Tấn giữ thành Giao Châu. Người Di Lão ở các khe động đều hàng phục cả. Vua Nam Chiếu cho thuộc hạ là Đoàn Tù Thiên làm tiết độ sứ phủ Giao Châu.Giáp Thân, 864, (Đường Hàm Thông, năm thứ 5). Mùa thu, tháng 7, vua Đường cho Cao Biền làm Đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ.Ất Dậu, 865, (Đường Hàm Thông, năm thứ 6). Mùa thu, tháng 7, Cao Biền sửa quân ở trấn Hải Môn. Biền đem hơn 5.000 quân vượt biển đi trước. Tháng 9, Biền đến Nam Định, Phong Châu, quân Man gần 50.000 đương gặt lúa, Biền ập đến đánh tan, chém được bọn Trương Thuyên, thu lấy số lúa đã gặt để nuôi quân.Bính Tuất, 866, (Đường Hàm Thông, năm thứ 7). Mùa hạ, tháng 4, Nam Chiếu sai Trương Tập giúp Tù Thiên đánh Giao Châu, cho Phạm Nật Ta làm Đô thống Giao Châu. Giám trận nhà Đường sai Vi Trọng Tể đem hơn 7.000 quân đến Phong Châu. Biền được thêm quân, tiến đánh Nam Chiếu, nhiều lần đánh tan được. Tháng ấy, Biền đánh tan quân Nam Chiếu, giết và bắt sống rất nhiều. Nam Chiếu thu quân còn sót chạy vào châu thành cố giữ. Mùa đông, tháng 10, Cao Biền vây châu thành hơn 10 ngày, người Man rất khốn quẫn. Biền đến nơi đốc thúc khích lệ tướng sĩ, lấy được thành, giết Tù Thiên và Chu Cổ Đạo là người thổ man dẫn đường cho quân Nam Chiếu, chém hơn 30.000 đầu. Quân Nam Chiếu trốn đi, Biền lại phá được hai động thổ man đã theo Nam Chiếu, giết tù trưởng. Người thổ man rủ nhau quy phục đến 17.000 người.

Ngoài ra, Nam Chiếu cũng đã nhiều lần tấn công Myanma. Từ giữa thế kỷ thứ 8 cho tới cuối thế kỷ thứ 9, Nam Chiếu là một cường quốc trong vùng nam Trung Quốc, bắc Đông Nam Á. Nó liên tục gây sức ép quân sự lên Các thị quốc Pyu ở miền trung Miến Điện bây giờ, quân Nam Chiếu đánh tới tận miền nam Miến Điện và miền bắc Thái Lan đầu thế kỷ thứ 9, mở cuộc viễn chinh đánh Chân Lạp và ghi lại là họ đã tiến tới tận bờ biển, liên tiếp tiến công vào An Nam đô hộ phủ thuộc nhà Đường trong khoảng thời gian 846-866.

Đây là thời kỳ sức mạnh Nam Chiếu đạt đến đỉnh điểm, rồi dần suy đi, trước sức ép của Trung Hoa đang cường thịnh trở lại, và Việt Nam giành được độc lập.

Suy yếu

Năm 873, Nam Chiếu bị đuổi khỏi Tứ Xuyên và bị đẩy lùi về Vân Nam. Việc chiếm đóng Thành Đô là mốc đỉnh cao của nhà Nam Chiếu, từ đó trở đi vương quốc Nam Chiếu bắt đầu suy yếu. Tới nửa sau thế kỷ 9, Nam Chiếu chỉ còn duy trì ảnh hưởng của mình ở vùng tây nam Trung Hoa, sau hàng thập kỷ chiến tranh liên tục.

Tình hình chính trị nội bộ của Nam Chiếu cũng không ổn định với việc có tới 13 vua lên ngôi trong vòng 120 năm tiếp đó, và không ai trong số họ quan tâm đến việc bành trướng thế lực về phía nam nữa. Trong đó, dòng họ Trịnh ở Vân Nam là người Hán nhiều năm thừa kế chức Thanh bình quan (清平官) thao túng Nam Chiếu. Năm 897, Thanh bình quan Trịnh Mãi Tự sai Dương Đăng giết chết Nam Chiếu vương Mông Long Thuấn.

Năm 902, Trịnh Mãi Tư giết chết 800 người thân tộc của Nam Chiếu vương, triều đại Nam Chiếu bị lật đổ, và sau đó là Đại Trường Hòa. Sau Đại Trường Hòa, lại có Đại Thiên Hưng, Đại Nghĩa Ninh 3 triều đại kế tiếp nhau cho đến khi Đoàn Tư Bình nắm quyền năm 937 để thành lập ra Vương quốc Đại Lý.